logo-nhahatmuaroi

“Bay lên từ mặt nước” – tinh hoa hội nhập của rối nước truyền thống

Khai màn từ 9g30 sáng nay 15/1, chương trình “Bay lên từ mặt nước” của Nhà hát Múa rối Thăng Long thăng hoa với văn hóa châu Âu lồng ghép khéo léo vào tinh hoa truyền thống. Khán giả nói tiếng Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản… trong khán phòng liên tục vỗ tay tán thưởng và cười vui không ngớt.

Nhân dịp chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng nay 15/1, Nhà hát Múa rối Thăng Long (57B Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) khai màn chương trình “Bay lên từ mặt nước”. Đây là tiết mục do NSND Nguyễn Hoàng Tuấn – NSƯT Chu Lượng dàn dựng và chỉ đạo nghệ thuật, đã giành Huy chương bạc tại Liên hoan Múa rối Quốc tế lần IV/2015.

Mở màn chương trình là tiết mục “Những chiếc mặt nạ đổi màu”. Trong trang phục oai hùng thời Âu Lạc và khuôn mặt được tô vẽ tỉ mỉ, kỳ công, nghệ sĩ Công Mạnh khiến công chúng đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác khi phô diễn hàng loạt chiếc mặt nạ khác nhau chỉ trong chớp mắt.

Bay-len-tu-mat-nuoc-tinh-hoa-hoi-nhap-cua-roi-nuoc-truyen-thong-02

 

Thú vị hơn, anh còn tương tác rất có duyên khi di chuyển linh hoạt xuống hàng ghế khán giả biểu diễn và tạo cơ hội cho người xem được chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm dễ dàng.

Trong khi đó, tiết mục “Vũ điệu La-tin” lại khiến nhà hát như cuốn mình vào những điệu nhảy điêu luyện, bốc lửa và tràn đầy hứng khởi trên nền nhạc “No face, no name, no number” (Modern Talking).

Dưới bàn tay điều khiển tinh tế của nghệ sĩ Xuân Long, hai vũ công rối nam – nữ đã thực sự đem đến những giây phút giải trí thoải mái và hấp dẫn khán giả bằng “món khai vị tinh thần” đầy dư vị.

Cuối cùng, “món chính” mang tên “Bay lên từ mặt nước” “khai hỏa” với phần mào đầu hấp dẫn của chú Tễu. Chú dí dỏm tâm sự rằng “Hôm nay tôi ăn mặc lạ như các bác nhận xét là vì “Ba lô trên lưng/ Mũ phớt đội đầu/ Tôi đi năm châu” khám phá cái hay cái đẹp khắp thế giới, chứ “Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Theo đó, Tễu hào hứng mang đến cuộc đấu bò tót đầy kịch tính từ đất nước Tây Ban Nha.

 

img_0468

Điều thú vị là phần múa này không gay cấn, khốc liệt, “bạo lực” như thực tế mà tung tẩy hài hước, ngộ nghĩnh và vô cùng sinh động.

Bộ ba đấu sĩ matador, picador và banderillero cùng chú bò tót như rầm rập lao mình vào cuộc rượt đuổi nghịch ngợm tưởng như không có hồi kết.

Sau cùng, khi nổi máu hung hăng, con bò tưng tửng “lên đồng” vô cùng bất ngờ với màn “phóng nước” cả trước lẫn sau, khiến khán giả ồ lên sảng khoái. Thậm chí, ở hàng ghế B, một gia đình ba mẹ con người Hàn Quốc vừa cầm nón lá (món đồ kỷ niệm trong chuyến du lịch Việt Nam thú vị lần này) vừa tranh thủ ghi hình màn diễn tấu và liên tục thốt lên những từ ngữ cảm thán đầy ngưỡng mộ.

Đặc biệt, khi đấu sĩ matador kết liễu con bò, từ mình nó phun lên… một cơn mưa sữa tươi trắng phau. Phần kết thúc bất ngờ khiến cả khán phòng vỗ tay không ngớt. Với không ít người, lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến rối nước cổ truyền – viên ngọc quý mà cha ông để lại giao thoa đặc sắc với văn hóa châu Âu trong ý tưởng sáng tạo tuyệt vời đã làm nên một trải nghiệm khó quên.

NSƯT Chu Lượng – Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho hay: những ai vốn sẵn hiểu biết về loại hình này hẳn sẽ nhận ra con bò có sự tiếp thu từ tạo hình của con lân khi rượt đuổi nhau, còn sữa bắn lên từ bò tót cũng tương tự như rồng Việt Nam phun nước. Đồng thời, đấu sĩ có khả năng bơi lội chính là một phân cảnh từ đám trẻ làng trong trò “Nhi đồng hý thủy”, và màn đấu bò thì làm chúng ta dễ dàng liên tưởng đến hội chọi trâu tháng 8 âm lịch ở Đồ Sơn, Hải Phòng…

Tiếp đó, sân khấu biến đổi ảo diệu với không gian được phun nước và khói trắng bồng bềnh phía trên mặt nước, trong ánh sáng dịu nhẹ cùng bản “Hồ thiên nga” lãng mạn. Các chàng – nàng rối ballet trở thành những đóa hoa bồng bềnh xoay tròn theo điệu nhạc và thể hiện nhiều động tác khó y như thật, với cảm hứng lấy từ điệu múa tiên nữ.

Được biết, để có thể tạo nên tiết mục kỳ công này, ê-kíp thực hiện đã mời một biên đạo múa ballet chuyên nghiệp hướng dẫn vũ đạo cho các nghệ sĩ múa rối.

Phải mất một thời gian dài, họ mới tạo ra được các nhân vật có thể xoay tròn, múa ballet liên hoàn mà không bị rối dây. “Chỉ riêng việc giữ cho dây rối đừng xoắn vào nhau đã là cả một kỳ công rồi” – NSƯT Chu Lượng nói.

Trên tấm phông nền sinh động, gợi nhiều cảm nhận đa chiều từ tất cả các giác quan ấy, câu chuyện tình bất hủ về Hoàng tử Siegfried và Công chúa Odette cứ nhẹ nhàng mà thấm thía “bắt mất hồn” người xem.

Trong thuở hồng hoang, rối nước chỉ đơn thuần “lặp lại hành động trồng lúa của người nông dân trên cánh đồng”. Đến nay, nhờ sự đổi mới – hội nhập quốc tế mang tính bứt phá của Nhà hát Múa rối Thăng Long, “Bay lên từ mặt nước” mở ra hướng đi đầy triển vọng để đến gần hơn với khán giả trong nước.

Đồng thời, vẻ đẹp tuyệt vời, sự thuần khiết, trong sáng giúp tâm hồn tĩnh tại, tránh được những ồn ào náo nhiệt để trở về với bản tính hồn nhiên – hòa nhập của nghệ thuật rối nước Việt là cảm nhận mà hầu hết khán giả/khách du lịch nước ngoài chia sẻ khi lưu luyến rời khỏi ghế ngồi sáng nay.

            “Bay lên từ mặt nước” chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng biểu diễn từ lúc 9g30 các ngày 15–17/1/2016 tại số 57B Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chương trình miễn phí vé vào cửa.