PV: Nhà hát vừa đón nhận kỷ lục Châu Á, sắp tới ông có kế hoạch gì để giữ vững kỷ lục này?
Trả lời: Nhà hát luôn xác định đạt được đã khó để duy trì nó còn khó hơn. Giữ vững là cả một bề dài truyền thống đòi hỏi sự đoàn kết, đồng tâm của cả tập thể, mà trước hết phải nói đến tầm quan trọng của người lãnh đạo. Cái cần giữ vững đầu tiên là vấn đề con người: cán bộ, nhân viên trong Nhà hát phải giữ vững lòng quyết tâm, say mê nghề thì mới thực hiện được. Thứ hai, phải chú trọng khâu quảng bá nhằm tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật múa rối. Quảng bá trên internet, riêng trên internet Nhà hát thuê các cổng như: cổng du lịch hoặc quảng bá qua các trang mạng xã hội.Thứ ba, Nhà hát luôn coi trọng việc sáng tạo nhưng vẫn luôn giữ lại những cái đẹp truyền thống, chứ không làm biến dạng mà chỉ là phát triển cho thêm phong phú, vì trong kho tàng nghệ thuật múa rối Việt Nam có trên 600 trò mà trong đó có 400 trò không bị trùng lặp, từ vốn đó đủ để chúng ta khai thác sáng tạo.
PV: Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, Nhà hát có những thuận lợi và khó khăn gì?
Trả lời: Hiện nay, thuận lợi của Nhà hát phải kể đến đội ngũ công nhân viên có lòng nhiệt tình say nghề, yêu nghề. Gồm 42 nghệ sĩ múa rối, 12 nhạc công và một bộ phận kỹ thuật. Ước tính tổng thể khoảng 100 người. Múa rối là bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo kích thích sự tò mò của nhân dân trong và ngoài nước. Đó là một thuận lợi. Chúng tôi cũng được cấp trên tạo điều kiện hết mức, Uỷ ban Nhân Dân thành phố cũng ưu tiên các hoạt động mang tính truyền thống. Để phát triển những cái mới, đáp ứng diễn đủ 365 ngày đòi hỏi phải có không gian luyện tập không ảnh hưởng đến buổi biểu diễn. Từ trước đến nay thì đội ngũ cán bộ phải làm ngày làm đêm với quyết tâm không bỏ một buổi nào mới có được thành tích như hiện nay.
PV: Khán giả đa số là người nước ngoài, họ cảm nhận thế nào khi xem múa rối?
Trả lời: Nói chung cảm nhận của người nước ngoài là luôn luôn ngạc nhiên. Họ thấy nó huyền bí và có một cái gì đó mơ mơ ảo ảo, lung linh trên mặt nước, rất là sống động, có cái gì đó nó siêu thực, hồn nhiên, thanh cao, thánh thiện. Họ bỏ một tiếng đồng hồ vào xem múa rối nước thì cảm thấy mình trẻ lại. Con rối vô tư, hồn nhiên, ngây ngô, một tiếng đồng hồ không phải suy nghĩ gì, cứ thả sức mà chiêm ngưỡng không phải đắn đo, không mang triết lí cao siêu nhẹ nhàng làm cho con người cảm thấy thoải mái hơn.
PV: Năm sau có liên hoan múa rối quốc tế, Nhà hát có kế hoạch gì dể làm nổi bật loại hình nghệ thuật truyền thống này?
Trả lời: Trong liên hoan múa rối quốc tế, Nhà hát có dự định làm một chương trình duy nhất chia làm hai phần. Phần một sẽ cổ truyền hoàn toàn khai thác ở trong 400 trò. Phần hai phát triển dựa trên Thế vận hội Olympic từ kịch bản “Bay lên từ mặt nước” làm các trò thể thao ví dụ như: bơi nghệ thuật, lướt ván, đua thuyền.
Về rối cạn, chúng tôi sẽ làm một vở mang tính truyền thống dựa trên phong cách của sân khấu chèo và một vở diễn nhạc kịch con rối hát opera để khán giả thấy diễn viên của chúng tôi rất đa năng, cần hát chèo cũng hát được, hát opera cũng hát được.
PV: Có nhiều người cho rằng người hát và dàn nhạc quá to trong một phòng không rộng?
Trả lời: Nhiều lúc cũng mong khán giả thông cảm cho vấn đề hát vì một ngày diễn sáu vở trong khi người hát mất hơi. Họ phải vặn mic to lên để hát nhẹ nhàng và tránh trường hợp để bị rát họng.
PV: Khán giả chủ yếu là người nước ngoài mà lại không có phụ đề tiếng Anh, vì sao vậy, thưa ông?
Trả lời: Các tờ rơi đều có, hiện nay các tờ rơi in 7 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ba Nha, Nga, Việt Nam. Chương trình quá dễ hiểu không cần phụ đề. Bây giờ nếu thêm phụ đề sẽ phá hết không gian. Trước đây trong một chương trình khác. Nhà hát cho phụ đề vì chương trình đòi hỏi giải thích nhiều nói về văn hóa các vùng miền, giải thích vì sao ở Tây Bắc có múa khèn, tại sao lại có điệu múa hoa đăng, múa quạt, tại sao rồng với phượng lại đẻ ra cái bọc hàng trăm con…
PV: Có cảm giác các tiết mục hơi đơn giản, liệu sau này chương trình biểu diễn có thay đổi không?
Trả lời: Chương trình biểu diễn của chúng tôi một năm chỉ thay đổi một lần. Nhà hát không có điều kiện để thay liên tục. Khâu tạo hình và tập phải mất một năm mà ý tưởng phải có từ trước. Đặc biệt, lượng khách thay đổi liên tục, họ không ở đây trường kỳ nên là đối với người đến xem sẽ luôn là mới.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!