logo-nhahatmuaroi

Nhà hát Múa rối Thăng Long kỉ niệm 50 năm thành lập

Sáng ngày 10/10, tại Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và đón nhận Bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội.

Dự buổi lễ có Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng đại diện các sở, ban, ngành của Hà Nội.

Lễ kỷ niệm là dịp để các thế hệ nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Thăng Long ôn lại chặng đường 50 năm đã đi qua với biết bao buồn vui và tự hào. Nhà hát Múa rối Thăng Long thành lập ngày 10/10/1969 với tên gọi ban đầu là Đoàn Nghệ thuật Kim Đồng với 9 thành viên. Nhiệm vụ của Đoàn là chuyên biểu diễn rối cạn phục vụ thiếu nhi Thủ đô.

Năm 1975, đoàn đổi tên là Đoàn Múa rối Hà Nội và năm 2001 đổi thành Nhà hát Múa rối Thăng Long. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ các nghệ sỹ đã vượt qua những thử thách, khắc phục mọi khó khăn gắn bó với nghề, nhiều tiết mục, vở diễn mới được ra mắt phục vụ đồng bào, chiến sĩ Thủ đô, góp phần vào công cuộc bảo vệ, giải phóng đất nước…

ảnh 1

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội phát biểu tại lễ kỷ niệm

Những năm cuối thế kỷ XX, nhiều đoàn nghệ thuật trong nước tiếp tục rơi vào tình trạng bế tắc, phải đối mặt với nền kinh tế thị trường, Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng gặp những thách thức và khó khăn liên tiếp. Đấu tranh để tồn tại đối với Nhà hát trong giai đoạn nay là một phép thử gian nan, nhưng với ý chí quyết tâm của tập thể Nhà hát, đoàn kết chung tay, nỗ lực phấn đấu, sáng tạo vươn lên phát triển từ không đến có, tìm hướng đề tồn tại.

Phục hồi nghệ thuật múa rối nước, tạo thế mạnh xây dựng nhà hát đứng vững trong cơ chế thị trường. Từ đó đến nay, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã không ngừng phát triển và triển thành. Nhà hát là đơn vị nghệ thuật sân khấu duy nhất ở Việt Nam “đỏ đèn” liên tục 365 ngày trong năm. Không những thế, nhà hát còn xác lập Kỷ lục Việt Nam (năm 2007), xác lập Kỷ lục Châu Á (năm 2013) và đạt được nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các Liên hoan Múa rối Quốc tế, Liên hoan Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động nhấn mạnh: “Từ sân khấu thủy đình dân gian ở các làng quê Bắc Bộ và những đêm diễn trong lễ hội của người nông dân Việt Nam, rối nước đã bước vào một trong những nhà hát lớn, hiện đại của Hà Nội và Việt Nam – Nhà hát Múa rối Thăng Long. Từ đây, rối nước đã đi qua mọi miền biên giới”

Cũng theo Giám đốc Sở VHTT, mỗi ngày Nhà hát Múa rối Thăng Long lại đón nhận nhiều hơn những người yêu thích nghệ thuật rối nước đến từ mọi vùng miền của đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Hiếm có một sân khấu dân gian nào lại có sức mạnh quyến rũ người xem đến như vậy. Mỗi khi tấm màn sân khấu thủy định mở ra là khán giả được bước vào một thế giới kỳ ảo của rối nước, được nhìn thấy vẻ đẹp kỳ vỹ của tâm hồn Việt…

ảnh 2

Vinh danh các cán bộ lão thành của nhà hát

Trong nửa thế kỷ qua, với tình yêu nghệ thuật rối nước và với sự sáng tạo không ngừng của lãnh đạo, diễn viên, nhân viên qua nhiều thế hệ, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã trở thành một không gian nghệ thuật đặc biệt của Thủ đô và có sức lan tỏa rộng lớn… Tất cả những sáng tạo ấy ngày một mở rộng chiều kích của một sân khấu dân gian đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người đương đại.

“Với tất cả những gì mà Nhà hát Múa rối Thăng Long đã và đang sáng tạo, cống hiến cho đời sống văn hóa Thủ đô cũng như cả nước, chắc chắn sẽ làm cho nghệ thuật rối nước trở thành di sản văn hóa dân tộc đặc sắc và sống động, chứa đựng thông điệp về hạnh phúc trong chính đời sống đương đại của con người Việt Nam và của cả con người ở những nền văn hóa khác”, ông Tô Văn Động phát biểu

Tại lễ kỷ niệm, UBND Thành phố Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho Nhà hát Múa rối Thăng Long vì những thành tích xuất sắc đã đạt được.