NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long
Âm nhạc xóa nhòa khoảng cách
PV: Ban đầu vở diễn có tên “Cậu và hành khất”, rồi đột ngột đổi tên thành “Khoảnh khắc Hà thành”. Ông có thể lý giải về điều này?
NSND Nguyễn Hoàng Tuấn: Ban đầu, tôi có ý định gây ấn tượng với khán giả bằng một cái tên lạ, để khán giả tò mò và tìm hiểu về vở diễn. Nhưng sau đó, cái tên “Cậu và hành khất” có vẻ “đánh đố” người xem nên tôi đã đổi thành “Khoảnh khắc Hà thành”, những khoảnh khắc ai cũng nhớ về một thời đã qua của Hà Nội, có dấu ấn và được thế giới công nhận.
Vậy đó sẽ là những khoảnh khắc như thế nào, thưa đạo diễn?
Đó là hình ảnh về phố Khâm Thiên đầu thế kỷ 19 với tiếng “tom chát” vang lên trong nhà và ngoài vỉa hè là tiếng hát xẩm buồn nẫu ruột… Khi xem, khán giả sẽ nhìn thấy một Hà Nội rất xưa. Không gian của ca trù được tái hiện đậm nét với cô đào và các kép đàn. Người phu xe trong một khoảnh khắc chờ khách biến thành một nghệ sĩ hát xẩm thực thụ. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận và tiếng hát, tiếng đàn của họ thể hiện phần nào nỗi lòng riêng. Trong cảnh giao hòa giữa ca trù và xẩm, dường như mọi ranh giới sang – hèn đều không còn khoảng cách nữa.
Để âm nhạc dẫn dắt, làm thế nào đạo diễn có thể chỉ ra với người xem đây là vở diễn mà không phải các tiết mục độc tấu nhạc cụ dân tộc đơn lẻ?
Các tiết mục độc tấu đàn nguyệt, đàn nhị, đàn đáy… tưởng như độc lập, rời rạc nhưng thực ra được liên kết với nhau để tạo nên một vở diễn có thông điệp. Ngay từ đầu, tôi đã có ý định sử dụng “đặc sản” Hà thành là hát xẩm và hát ả đào trong cùng một không gian sân khấu để minh chứng: âm nhạc không phân chia đẳng cấp hèn – sang, mọi ranh giới đều được xóa nhòa. Nếu như trước đây, xẩm được coi là âm nhạc bình dân, thường hát ở các góc chợ, do những nghệ sĩ nghèo khổ biểu diễn để xin tiền, thì ca trù lại có một đời sống thượng lưu hơn, phục vụ cho tầng lớp có tiền.
Một cảnh trong vở “Khoảnh khắc Hà thành”
Hiện đại trong những điều xưa cũ
Thế còn sắc thái Hà thành đã được đạo diễn tạo dựng bằng cách nào trong tác phẩm này?
Tôi tin những sắc thái Hà thành sẽ được khán giả nhận ra ngay qua âm thanh của các nhạc cụ. Chẳng phải tiếng đàn đáy của ca trù đã rất quen thuộc với người nghe, tiếng đàn nhị rầu rầu cũng đã đi vào ký ức của bao người. Tất nhiên, để tái hiện một phần lịch sử của Hà Nội xưa, bên cạnh âm nhạc, chúng tôi còn mất nhiều công đoạn cho việc dàn dựng để khán giả cảm nhận được xẩm và ca trù trong không gian đặc trưng.
Với một tác phẩm đậm tính hoài cổ như “Khoảnh khắc Hà thành”, nét hiện đại vẫn có thể được tìm thấy chứ, thưa đạo diễn?
Tôi dựng “Khoảnh khắc Hà thành” là cho khán giả ngày nay xem. Vì thế, không thể nói tác phẩm chỉ toàn những điều cũ kỹ. Nghệ thuật sắp đặt đã được sử dụng và tiết tấu của tác phẩm sẽ không “câu giờ” của khán giả. Tất cả được gói gọn trong những diễn biến mạch lạc, không quá hồi hộp nhưng cũng không đến nỗi buồn tẻ.
Là đơn vị múa rối nhưng lại đem tác phẩm “Khoảnh khắc Hà thành” dự thi Liên hoan Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc, ông có lo lắng nào không?
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc là công việc thường ngày của các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Thăng Long để phục vụ du khách. Nhưng lần này, đích thân tôi bắt tay vào dàn dựng vở diễn bởi trong nhà hát, các nhạc công vẫn luôn là người thiệt thòi hơn cả khi họ ít có cơ hội cọ xát và thi thố tài năng. Và tôi không thấy ngại hay run khi đưa vở đi thi. Có thể là vì, tôi tự tin vào truyền thống của Nhà hát Múa rối Thăng Long, từ trước đến nay đều ít khi thất bại tại các kỳ hội diễn.
Thế nhỡ không có giải thì ông sẽ nói gì với nghệ sĩ của mình?
Kết quả như thế nào đi nữa cũng chỉ mang tính động viên. Điều quan trọng, tôi và các anh em nghệ sỹ đã làm hết sức và cố gắng bằng tất cả trí lực và tâm huyết.
Xin cảm ơn ông!