Quý vị và các bạn thân mến! 5 năm nay, nhà hát Múa rối Thăng Long giữ vững kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn 365 ngày trong năm”. Nghĩa là tại địa chỉ số 57 phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – Nơi nhà hát tọa lạc quanh năm sáng đèn và rộn ràng âm thanh biểu diễn. Trong khi nhều nhà hát đang khó khăn với lộ trình xã hội hóa sân khấu thì hàng năm Nhà hát Múa rối Thăng Long đóng góp hàng chục tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Điều gì làm nên thành công bền vững cho nhà hát này? Chuyên mục VOV2 Sóng mở mời quý vị và các bạn nghe bài “Thành công từ chiến lược phát triển”, của phóng viên VOV2
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế, lúc đó Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch giao cho các nghệ sĩ Nhà hát múa Rối Thăng Long được biểu diễn ở địa chỉ số 57 phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. “Như cá gặp nước”, các nghệ sĩ múa rối đã yên tâm với nơi biểu diễn “Thiên thời – Địa lợi”, vậy nên họ tập trung phát huy về nguồn lực “nhân hòa”. Từ những ngày đầu, các nghệ sĩ múa rối đã rất chú trọng quảng bá cho chương trình biểu diễn từ trong và ngoài nước. Đạo diễn NSUT Lê Chí Kiên nhớ lại:
Bọn mình đi diễn từ các ngóc ngách của nông thôn, đã thấu hiểu nỗi vất vả nên khi được cấp một nhà hát khang trang thì không có lý do gì mà tất cả các anh em không chung sức vào. Bản thân mình lúc đấy là đi khắp Hà Nội, vào các quán café lớn mà có khách du lịch, vào nói với chủ quán cho đặt đại lý vé rồi các buổi biểu diễn thì chia phần trăm theo cơ chế với các đơn vị này. Thành công của ngày hôm nay ngoài “thiên thời, địa lợi” là công sức của toàn bộ em trong nhà hát.
Những ngày giáp Tết, ai cũng nỗ lực hoàn tất công việc cuối năm để đoàn tụ bên gia đình, song các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long thì vẫn miệt mài trầm mình dưới nước để cống hiến những trò diễn hấp dẫn đến khán giả. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Phương Nhi, Trưởng đoàn diễn viên II nhà hát múa Rối Thăng Long chia sẻ:
Những ngày Lễ Tết bọn mình luôn bảo nhau đón Tết sớm, trang hoàng nhà hát, đi mua đi sắm hoặc là ăn diện, tạo cho mình niềm vui, cảm xúc để mà phục vụ những đêm biểu diễn lúc nào cũng nhộn nhịp. Khi đón khách là cũng mang không khí Tết để đón khách, thế rồi khi diễn thì chỉnh trang, ngắm nghía và đưa không khí xuân vào khán phòng để những ngày Tết mình hoàn toàn phiêu. Cái sung sướng của nghề là được biểu diễn chứ không phải là phải biểu diễn.
Thành tích của Nhà hát múa Rối Thăng Long là sự cống hiến, tiếp nối của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Nghệ sỹ Nguyễn Thị Kim Thành (nguyên là nghệ sỹ Nhà hát múa rối Việt Nam), cộng tác nhiều năm với công tác đào tạo của Nhà hát múa Rối Thăng Long, phấn khởi cho biết:
Các em biết nhìn xa trông rộng, tôi mừng và thích lắm. Các em rất say nghề,nhiệt tình biết kiến tạo tất cả những gì trước và sau, đặc biệt là người lãnh đạo. Đường dài của nghề nghiệp này hơi đặc thù, múa thật còn chả ăn ai nữa là múa rối nhưng thực ra múa rối là khó nhất vì nghệ sĩ kịch chỉ biết kịch không ca được và ngược lại nhưng với diễn viên múa rối phải ca được, thoại kịch và đặc biệt điều khiển con rối nhuần nhuyễn. Tôi nghĩ rằng tương lai nhà hát còn tiến xa.
Rối cạn thường được mặc định là để phục vụ đối tượng khán giả nhỏ, rối nước phục vụ du khách quốc tế. Để vượt qua nhận định này, các nghệ sĩ nhà hát Múa rối Thăng Long tiếp tục có những bước đột phá trong hành trình chinh phục khán giả. Lần lượt các vở rối “Bay lên từ mặt nước”, đạo diễn NSUT Chu Lượng và gần đây là vở “Hồn Trương Ba da hàng Thịt” của tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSUT Lê Chí Kiên đã gây sự ngỡ ngàng, thích thú không chỉ với khán giả mà còn cả với bạn nghề. Những vở diễn này đã làm thay đổi cái nhìn về múa rối, rằng nó không chỉ dành cho trẻ em mà nó còn phục vụ được nhiều đối tượng khán giả. Múa rối không chỉ là những trò diễn đơn giản, thuần túy mà giờ đây còn thể hiện sinh động, hấp dẫn những tư tưởng, triết lý về con người và cuộc đời. Sự phát triển ổn định, vững vàng của Nhà hát múa Rối Thăng Long cho thấy sự kết tinh, hội tụ của các yếu tố “Thiên thời- Địa lợi – Nhân hòa”
Trong những ngày du xuân Mậu Tuất năm nay, quý vị và các bạn hãy dành chút thời gian ghé qua địa chỉ số 57 phố phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để thưởng thức các trò cổ của múa rối nước truyền thống được yêu thích như: Du xuân, Câu cá, Bắt vịt, Thị Nở, Ngày mùa… các buổi 15h, 16h10′, 17h10′, 18h30′ và 20h00 hàng ngày nhé.