Lựa chọn ngôn ngữ .
 

 

 

   
Nghệ thuật rối và rối nước Việt Nam  
I. Về Nghệ thuật :
            Rối là một loại hình văn hoá truyền thống gắn bó chặt chẽ với cuộc sống tinh thần từ lâu đời của nhân dân Việt Nam. Tuy gặp nhiều dạng hoạt động của loại hình này ở khắp mọi miền đất nước, nhưng tập trung, hoàn thiện, phổ cập hơn cả ở vùng trung du và đồng bằng phía Bắc. ở đây nghệ thuật rối đã phát triển đa dạng, phong phú. Từ ngữ rối đã quen thuộc trong ngôn ngữ giao tiếp và thơ văn, thành tên gọi riêng của làng (làng rối ở ý Yên, Nam Định), của chùa (chùa rối ở Phú Xuyên, Hà Tây), của ao (ao rối ở nhiều nơi)...
            Từ bao đời nay trò "leo dây, múa rối" là nguồn vui chơi giải trí rất hấp dẫn bà con xa gần trẩy hội đình chùa làng xã. Lòng mến yêu nghệ thuật này được thể hiện bằng thành ngữ, ca dao, dân ca, bằng văn thơ ...

Trò rối xưa gắn bó sâu xa với lễ nghi phong tục. Ngày hội làng Đông An (Hưng Yên) diễn lại sự tích ông Đùng, bà Đà bằng hai quân rối lớn (thân đan bằng nan tre hoặc nứa, mặt phết giấy, quần áo giấy mầu), rước quanh làng và làm động tác tỏ sự vui mừng. Loại quân rối này ở hội đền Bà Chúa Muối (Thái Bình) lại dùng nong đan làm mặt, sào tre làm thân và buồm thuyền làm quần áo diễu hành như một lễ tiết. Tượng Lý Thần Tông thờ ở chùa Thầy (Hà Tây) và tượng tháng Linh Lang thờ ở đền làng Hà Cầu (Hải Phòng), đều được tạc các bộ phận cơ thể bằng gỗ rời nhau, rồi chắp lại có khớp lỏng để làm cử động được, như kiểu con rối dây.

Ngoài đồng ruộng, nương rẫy, nhiều bù nhìn đứng ngày đêm xua chim, đuổi chuột đến phá hoại hoa màu.

Rằm tháng Bảy, Tết xá tội vong nhân hàng năm, nhân dân thường đốt nhiều quân rối vàng mã cho người chết.

Tết Trung Thu, Rằm tháng Tám, dành cho trẻ em nhiều quân rối đồ chơi + con thú .

Trò múa Rồng, múa Lân, múa Tứ Linh, múa ông Địa ... là những trò hấp dẫn của hội hè đình đám.

ở đồng bào dân tộc ít người, còn tồn tại nhiều điệu múa đột lốt, múa hoá trang hình chim gắn với tín ngưỡng vật tổ như múa chim công (dân tộc Thái Đen), múa hạc ( DT Tày), múa chim phượng hoàng ( DT Dao), múa chim câu ( DT Cao Lan), múa chim Grư ( DT Êđê ), Kiểu "tượng quân rối" cũng thấy dùng trong lễ nghi thờ cúng của đồng bào La Chí, Lô Lô, ... Đồng bào Bana đã có nhiều trò rối trong lễ bỏ mả không những để làm thoả lòng người chết mà còn làm vui bà con buôn làng.
Trong gia đình nhà rối còn gặp trò múa sọ người ở Đông Anh (Hà Nội), múa đầu rối ở Vĩnh Phúc, múa mặt nạ ở Xuân Phả (Thanh Hoá), ...
Đồng bào Khơme (Nam Bộ) có hẳn một loại hình sân khấu " mặt nạ " Tuồng rôbăm. Hiện nay ở chùa Bi (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình) vẫn lưu giữ các bộ quân rối chuyên diễn thờ ngày hội hàng năm. Chùa Thầy (Hà Tây), đền Gióng (Hà Nội) còn có nhà hát rối nước xây dựng giữ ao hồ trước sân đình, cách ngày nay hàng thế kỷ.

 

 
© 2003 Copyright by Thang Long water puppets theatre - Design by Vietnet