Một thực tế là ngay trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thắng lợi đời Trần, các "quân rối khổng lồ" của Hà Đặc, Phụ Đạo Tử huyện Phù Ninh đã góp phần vào việc đánh tan bọn giặc đóng chiếm động Cự Đà.
Năm 1428, sau hơn hai mươi năm chiến đấu, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi thắng lợi, dựng nên triều đại nhà Lê (1428 - 1788). Nhà Lê chuộng văn học nên sân khấu kịch hát dân tộc Chèo, Tuồng phát triển, còn nghệ thuật rối vốn xuất thân không phải từ nghệ thuật ngôn từ, nên lui về bám sát hội hè đình đám nơi dân dã. Nhưng văn học thời Lê vẫn còn bóng dáng quân rối. Tập Lời giáo trò của phường rối cạn Thấm Rộc (Thái Nguyên) là một dẫn chứng. Nhà hát rối nước ngoài trời quy mô nhất hiện còn lại ở chùa Thầy (Hà Tây) đã được xây dựng trong hồ Long Trì trước sân chùa khoảng thời Hậu Lê.
ảnh hưởng của nghệ thuật rối trong thơ văn đó cũng sâu đậm. Lê Thánh Tông (1441 - 1497) làm thơ vịnh Con bù nhìn. Bài văn các quan trong triều tiễn biệt Quận công Ngô Đình Chất về hưu năm 1750 có câu: ..."Khi nghe sáo diều ở sông Nhuệ, khi xem múa rối ở chợ Tó, đều là cảnh sắc ưa người, chơi bời đủ hứng....". ảnh hưởng này còn gặp trong bài phú Chiếu tụng Tây Hồ của Phạm Thái viết trong thời Tây Sơn (1788-1802).
Tiếp đó, tuy nhà Nguyễn (1802-1945) chỉ chú trọng phát triển sân khấu Tuồng, nhưng nghệ thuật rối dân gian vẫn giữ vững truyền thống ăn sâu bám chắc địa bàn thôn dã. Nguyễn Thăng, Tri phủ Lạng Giang (Bắc Giang) ghi trong tập Kinh Bắc phong thổ ký (1807) :
"... Đức Hiệp chi đồng văn phường,
Đồng Ngư chi khối lỗi nghệ ...".
Dịch
Làng Đức Hiệp có phường Đồng Văn
Làng Đồng Ngư ó nghề múa rối ...
Nguyễn Công Trú, một nhà thơ lớn có nhân cách trong số Nho sĩ triều Nguyễn, lúc về già thấy thuở tung hoành là sự nghiệp quân thân của mình chỉ là :
"... Tuỳ cơ khối lỗi cung nhân tiếu ...."
Dịch :
Tuỳ cơ múa rối hiến trò cười cho người đời
Ta còn thấy quân rối trong thơ vă, Đoàn Nguyễn Tuấn, Dương Khuê, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyến Khuyến ...
Nhưng trong những dịp lên ngôi, khánh thọ ... triều định cũng bắt các trấn thành đưa các phường rối dân gian về Kinh đô Huế biểu diễn phục vụ.
Và chú Tễu, nhân vật tiêu biểu của sân khấu rối, khi ra về bao giờ cũng chào bà con bằng câu hát :
"Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn".
Chiến thắng Điện Biên Phủ mang lại hoà bình ở miền Bắc (1954). Từ tháng 7 năm 1954, miền Bắc đã thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, đã cứu nghệ thuật rối cổ truyền dân tộc khỏi nguy cơ mai một. Đảng và Nhà nước ta đã đưa nghệ thuật rối vào hệ thống hoạt động văn hoá Nhà nước.