
|
|
|
 |
Rối sân khấu
Trong ba dạng hoạt động trên, quân rối mới chỉ làm trò, nặng về giải trí - vui chơi. ở đây các nghệ nhân rối đã tận dụng con diều, cây pháo... diễn trò rối trong phạm vi hạn chế. Dạng sân khấu mới là nơi tung hoành rộng rãi của sự nỗ lực, sáng tạo rối.
Sân khấu rối dân gian - truyền thống của Việt Nam gồm hai phần:
- Rối nước
- Rối cạn
Sự phân biệt cạn - nước theo ngôn ngữ dân gian này chỉ đơn thuần dựa trên nơi dựng sân khấu. Quân rối nước dùng mặt nước làm sàn diễn. Quân rối cạn hoạt động trên các sàn diễn dựng trên mặt đất. Về cơ bản, hai môn nghệ thuật này đều có chung những nguyên lý, nguyên tắc, đặc trưng, đặc điểm, chỉ khác biệt trong chi tiết.
1. Về rối nước :
Rối nước có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành vùng đồng bằng và trung du sông Hồng, gắn bó mật thiết với đời sống vật chất và tinh thần của cư dân trồng lúa nước.
Xưa nay, cứ mỗi khi trong các nhà thuỷ đình (hay tuồng trò) rối nước giữa các ao hồ phát ra tiếng trống, tiếng pháo, ... báo hiệu có buổi biểu diễn là người lớn - trẻ em, ông già - bà lão, trai thôn thượng - gái thôn đoài nô nức trẩy về thưởng thức cái hay, cái lạ của trò rối nước .
ở Việt Nam rối nước là loại múa rối độc đáo đã có ngót 1000 năm ; sân khấu là các ao hồ đầy nước, con rối làm bằng gỗ nhẹ, được điều khiển từ các buồng ngay cạnh sân khấu bằng các bộ dây và sào dấu ngầm dưới nước. Người điều khiển phải ngâm mình dưới nước để điều khiển. Vì sân khấu là mặt nước lại được ngăn cách với buồng điều khiển bằng một bức màn mỏng, cho nên người xem không thể thấy người điều khiển, mà chỉ thấy các con rối đang biểu diễn. Cái độc đáo của sân khấu rối nước là con rối cử động được không chỉ nhờ những bộ dây, sào, mà còn nhờ sức nước tác động và thông qua các bánh lái và phao để được lắp đặt trong "bộ máy" điều khiển các con rối.Trong nghệ thuật múa rối, nghệ thuật tạo hình là nghệ thuật chủ chốt. Vẻ mặt, hình dạng và y phục của con rối biểu hiện cá tính, đồng thời nó thể hiện cả giới tính, lứa tuổi, hạng người nào trong xã hội, v.v....
Những hành động của nhân viên rối không phải hoàn toàn do người điều khiển muốn làm là được mà chủ yêú phải được kỹ thuật tạo hình quyết định trước. Nhiều khi ý đồ của tác giả và đạo diễn được thông qua tài năng của hoạ sĩ tạo hình và người làm con rối mới dẫn đến hiệu quả biểu diễn. Ví dụ : khả năng của con rối không thể hiện được sự thay đổi nét mặt mà luôn luôn cố định, tác động của nó chậm chạp, không tự nhiên vì vậy phải tạo cho con rối có cái "duyên" riêng và làm sao thể hiện được trong tạo hình bộ mạt có tính điển hình nhất của cá tính nhân vật. Nhân vật chú Tễu trong nghệ thuật rối Việt Nam có hình dáng béo trộn, phốp pháp, vận khố, mặc áo phong phanh, cổ đeo khánh bạc, tóc để trái đào. Nụ cười luôn nở trên môi duyên dáng, lạc quan có lúc như châm chọc, có lúc như cảm thông ... Với cách tạo hình, trang trí như vậy chú Tễu là nhân vật gần như nhân vật hề chèo ở sân khấu rối, chú Tễu cũng dùng tiếng cười để nhận thức cuộc sống, đả kích và trào lộng những điều chướng tai gai mắt ....
Đây là sáng tạo tuyệt vời của các nghệ nhân dân gian trong các phường rối, nó là sự gia công không chỉ của các ông thợ, mà tập thể các nghệ nhân điêu khắc, sơn màu đến những người điều khiển ... Nhờ vậy mà loại nhân vật này xuất hiện đã khắc hoạ được nét điển hình nhất của các vai "Hề" trong đời sống, để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Trên sân khấu rối ở nhiều nước cũng có loại nhân vật điển hình tương tự như vậy, Nga có Pê-tru-sca, Pháp có Pô-li-si-ne-lơ, Tiệp Khắc có Ca-spa-rếch ... các nhân vậy này không những có cá tính điển hình độc đáo, mà còn có một ngoại hình đặc biệt, có dấu ấn đậm nét trong đời sống của các dân tộc ấy.
Do đặc điểm của mỗi dân tộc , múa rối là sân khấu của những con rối không biết cử động, chỉ là công cụ nghệ thuật của nghệ sĩ múa rối, cho nên trong việc tạo nên nhân vật, sân khấu múa rối thiên về khắc hoạ ngoại hình, thể hiện các cử chỉ, mình động mà ít dừng lại ở diễn biến tâm lý, mổ xẻ nội tâm. Và các nhân vật thường không xây dựng một cách hoàn cảnh, đa dạng về lai lịch, quá trình phát triển cũng như kết thúc cuộc đời. Trong một vở diễn, nhân vật xuất hiện không nhiều . Câu chuyện thường phát triển quanh các nhân vật chính. Vì vậy, những nhân vật chính này có vai trò quan trọng trong việc truyền đạt nội dung tác phẩm ...
|
|
|
|
|