Lựa chọn ngôn ngữ .
 

   
Người tiếp thị rối nước

Trước khi gặp ông – Giám đốc nhà hát múa rối nước Thăng Long Lê Văn Ngọ- tôi đã được biết đến ông qua lời kể của bố tôi: “Đó là thời của các nghệ sỹ mà họ sẵn sàng bán của gia sản của mình phục vụ cho nghệ thuật chỉ mong được nhìn thấy ánh đèn sân khấu không bao giờ bị tắt”. Đến khi tiếp xúc với ông thì tôi hiểu tại sao bố tôi lại ca tụng nhiệt huyết của ông như vậy.
       Với năng khiếu bẩm sinh về ca hát, năm 1971 ông được tuyển vào Đoàn múa rối Hà Nội để hát minh hoạ cho múa rối. Thế rồi qua những chuyến đi lưu diễn cùng đoàn đến các tỉnh, từ hậu đài nhìn những khuôn mặt trẻ thơ háo hức xem các tiết mục biểu diễn, ông lại khao khát được trực tiếp đứng trên sân khấu biểu diễn cho các em. Đề xuất với lãnh đạo học nghề, ông được chấp thuận. Với sự nhanh ý chịu khó học hỏi, từ vai trò diễn viên, ông trở thành tổ trưởng tổ diễn viên, rồi được làm trợ lý đạo diễn cho các đạo diễn như Trần Hoạt Cao, Ngô Mạnh Lân… đến dựng vở. Đến năm 1985, ông được đề bạt làm trưởng đoàn phụ trách chuyên môn. Lúc đó nhà Văn Hoá Thế Giới tại Pháp được Giáo sư Trần Văn Khê, một Việt Kiều giới thiệu đã làm việc với bộ Văn Hoá để mời rối nước VN. Bộ văn hoá tập hợp các nghệ nhân tại các phường rối nước như: Thái Bình, Nam Hà sang Pháp biểu diễn. Nhận thấy đây là một hướng đi mới để phát triển đoàn Thăng Long, ông đã đưa các diễn viên của mình xuống các phường rối nước có tiếng (phường Đào Thục), kết nghĩa, học hỏi kinh nghiệm và đưa các phường rối nước ra biểu diễn tại hồ Hoàn Kiếm. Ông cùng ban lãnh đạo dự án của đoàn trình một sự án lên Sở Văn hoá về chương trình làm rối nước. Sở văn hoá đồng ý nhưng kinh phí không có. Ông không nản lòng, xin phép thuê tư nhân có đầu video đưa phim đi xuống các tỉnh chiếu, lấy khoản tiền đó đưa về làm kinh phí để dựng đoàn rối nước. Nhưng khi khách quốc tế đến xem họ chỉ cảm thấy mới lạ mà chưa gây được hứng thú đối với họ nhiều. Sự thất bại đó phần là do các con rối khi đem từ cạn xuống nước biểu diễn bị nhỏ, các tiết mục đơn giản, chưa nâng cao nghệ thuật.
         Giai đoạn 1987-1988 là giai đoạn mà có lẽ suốt đời ông và các anh chị em nghệ sĩ trong đoàn không bao giờ quên được bởi nó đánh dấu một thời kỳ “đau buồn nhất” đối với cuộc đời hoạt động nghệ thuật của họ. Vào năm đó, khi loại hình video đang lên ngôi thì các loại hình nghệ thuật khác đều bị ảnh hưởng, riêng Đoàn rối Thăng Long lại lâm vào tình trạng thê thảm hơn. Đoàn không bán  vé được buổi biểu diễn nào, ½ nghệ sĩ trong đoàn đã chuyển ngành, toàn đoàn còn lại có 9 nghệ sĩ tâm huyết với nghề đi theo ông. Thêm vào đó đoàn còn mang nợ đến 7 cây vàng của vị giám đốc cũ để lại, đạo cụ rối, phông màn đều cũ hỏng hoặc bị đem bán, 9 nghệ sĩ còn lại hàng ngày vẫn đến cơ quan để chờ có được buổi biểu diễn. Thời gian còn lại họ vẫn sống bằng những nghề tay trái như bán phở, rán quẩy. Trước tình hình đó, Sở Văn hoá đã lần lượt cử 3 vị từ trên sở xuống và họ lần lượt ra đi vì không thể vực dậy được một đoàn nghệ thuật quá “rách” trong thời buổi kinh tế thị trường.
-Ông tự mình làm đơn xin làm lãnh đạo đoàn và ghi rằng:” Hãy cho tôi thời hạn 3 tháng để tôi vực lại đoàn, nếu không được tôi xin từ chức”. Trong hoàn cảnh lúc đó, đây có phải là một quyết định quá “liều” không?
      Lúc đó nhìn thấy hoàn cảnh anh chị em sống rất khổ, nghệ thuật mà bao nhiêu năm mình tập luyện cứ phải vứt xó không được sử dụng tôi thấy thật đau lòng. Tôi chưa từng làm quản lý về kinh doanh, cũng chẳng thích chức quyền, nhưng tôi cũng định hướng được là mình sẽ làm những bước như thế nào để vực đoàn đứng lên. Thêm vào đó, anh chị em lại động viên muốn tôi đứng lên lãnh đạo họ vượt qua “cơn bĩ cực này”
      Thế là sau bao nhiêu cuộc họp bàn của lãnh đạo sở, ông chính thức được giao quyền làm “ trụ cột” của Đoàn rối Thăng Long. Việc đầu tiên ông bắt tay vào làm là kêu gọi anh em mỗi người vì sự nghiệp của mình hãy đóng góp tiền của để đoàn trang trải nợ nần và đầu tư thiết bị. Lúc đó, mỗi anh chị em bỏ ra một chỉ vàng, riêng ông bỏ ra 2000USD, Sở cấp cho 10 triệu đồng. Toàn bộ số tiền ông đem thanh toán nợ một phần, còn một phần đem đầu tư phục hồi lại các con rối, sửa sang, may lại quần áo mới cho diễn viên. Ông mời các hoạ sĩ cũ quay lại làm việc cho đoàn với chi phí tượng trưng. Ông lại đến Nhà hát tuổi trẻ nói khó với giám đốc xin được diễn 2 buổi miễn phí để mời các em học sinh các trường học đến xem. Anh chị em trong đoàn nỗ lực tập luyện lại những vở cũ như Tấm cám, Con mèo lười… Buổi biểu diễn đầu tiên đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của khán giả. Ông tiếp tục đưa đoàn đi diễn tại các địa điểm khác trong thành phố và ngoại thành để chứng minh rằng “đoàn múa rối sống lại rồi”.
-Tại sao ông không tiếp tục đầu tư để phát triển rối cạn mà lại hướng nhiều sang rối nước?
       Từ thất bại của chương trình biểu diễn rối nước lần trước tôi luôn trăn trở đi tìm nguyên nhân, bởi tôi hiểu đoàn rối phải làm một cái gì đó bứt phá lên thì mới có tiếng vang, doanh thu mới tăng lên được. Điểm mới lạ chỉ có thể ở chương trình rối nước, bở rối cạn đã có Nhà hát múa rối trung ương “đụng hàng rồi”. Tôi đã đi thăm dò dư luận, khách hàng nước ngoài, các đơn vị tổ chức biểu diễn và cuối cùng cũng tìm được ra nhược điểm khiến chương trình thất bại. Đó là đoàn biểu diễn các tiết mục cổ truyền nhưng lại cải biên theo hướng mới quá, sự kết hợp âm nhạc chưa đem lại hiệu quả.
       Ông chính thức trở thành đạo diễn chương trình, trực tiếp giao từng phần việc cụ thể cho các đạo diễn tiết mục được mời về. Và đến năm 1991 đoàn ra trình làng tại Hồ Hoàn Kiếm. Ông kể lúc đó rất khổ, diễn viên chưa có trang phục chống nước nhưng mọi người vẫn vui vẻ biểu diễn. Ông trực tiếp cùng với anh em nhảy xuống nước dựng đạo cụ, bán vé để giảm thiểu chi phí, đem lại thu nhập cao hơn cho đoàn. Đêm biểu diễn đầu tiên, trừ chi phí đi, mỗi người thu …. một bát phở. Nhưng rồi những vất vả của ông và anh chị em trong đoàn đã được đền bù xứng đáng . Năm 1992 khi đoàn Nhật Bản sang VN, chương trình rối nước của đoàn đã lọt vào tầm ngắm của họ và được mời sang biểu diễn tại Nhật Bản, chứng tỏ đoàn đã thành công.
-Tại sao đoàn Nhật Bản lại chọn múa rối nước sang biểu diễn chứ không phải là rối cạn?
      Khi xem chương trình của chúng tôi, họ đã thấy một phong cách mới, phong cách Hà Nội. Vẫn là các tiết mục, trò cũ như múa tiên, nhưng chúng tôi đã dàn dựng khác, kết hợp với xử lý âm nhạc khác với đoàn rối cạn của trung ương. Các tiết mục trong chương trình đều có nội dung, chủ để chứ không phải ngẫu hứng các trò như trước đây.
       Với quyết tâm phát triển bộ môn này và đưa đời sống của diễn viên lên cao, ông tự mình đi tiếp thị ở các công ty du lịch, mời họ đến xem chương trình biểu diễn của đoàn, phát những tờ rơi quảng cáo, cắt phần trăm cho các công ty đưa khách nước ngoài đến xem. Và sau 6 tháng kể từ khi nhận chức, đoàn  đã diễn từ 2 buổi tuần chuyển thành 4 buổi tuần. Sau một năm thì Nhà hát múa rối nước Thăng Long đã sáng đèn quanh năm.
- Kinh doanh nghệ thuật trong thời kinh tế thị trường hôm nay không phải đơn giản. Vậy ngoài chất lượng là nâng cao trình độ chuyên môn, luôn đổi mới các chương trình biểu diễn, ông chú trọng vào yếu tố nào nhất?
     Tiếp thị- nghĩa là phải luôn quảng bá hình ảnh của đoàn ra công chúng trong và ngoài nước để họ thấy chúng tôi luôn đổi mới, luôn trân trọng sự quan tâm của họ. Chúng tôi tiếp thị cả ra nước ngoài thông qua các đại sứ quán. Thậm chí, nhân những chuyến đi lưu diễn, chúng tôi cũng in sách để quảng cáo một bộ môn nghệ thuật cổ truyền độc đáo của VN. Tôi luôn tìm mọi cách để tiếp thị tên tuổi của đoàn. Chẳng hạn, đối với những khách vào xem đều tặng một cây quạt có in biểu tượng nhà hát để làm quà lưu niệm. Hơn nữa khi về nước, chính những cây quạt này là công cụ tiếp thị rất hữu hiệu. Đối với những vé bán 40.000đ tôi khuyến mãi họ một băng cassette về chương trình nhạc đệm múa rối.
    Quả thật, chẳng qua trường lớp nào về quản lý kinh doanh,  nhưng với sự nhanh nhạy nắm bắt thực tế, ông thực sự là một nhà quản lý kinh doanh thành đạt. Năm 2003, tổng số buổi biểu diễn của đoàn đạt 1.357 buổi, tại nước ngoài 880 buổi, số lượt người xem lên tới 280.000 người. Những con số này không dễ đơn vị biểu diễn nào cũng có thể đạt được.
     30 năm làm nghề, gắn bó với Nhà hát múa rối nước Thăng Long từ những ngày đầu mới thành lập, mặc dù phải trải mang trên vai trọng trách to lớn làm quản lý, nhưng ông vẫn không từ bỏ niềm đam mê sáng tạo của mình. Tiết mục “Tiếng gọi trẻ thơ” với đạo cụ chỉ là quả bóng và dải lụa, với sự kết hợp hoàn hảo của âm thanh và ánh sáng, ông đã thổi luống sinh khí hồn người  vào chúng và được trao Huy chương Vàng thứ 3 trong 3 kỳ hội diễn liên tiếp ông nhận được, chứng tỏ năng khiếu nghệ thuật và kinh doanh cùng tồn tại song song trong ông, cái này bổ sung, trợ giúp cái kia để tạo nên một “doanh nhân văn hoá”
     365 ngày Nhà hát múa rối nước Thăng Long sáng đèn là 365 ngày Giám đốc Lê Văn Ngọ có mặt ở nhà hát. Ban ngày ông lo giải quyết các công việc hành chính, ngoại giao đưa đoàn đi biểu diễn, tối đến ông lại cùng khán giả xem để sửa ngay những sơ sót của chương trình. Tâm sự với tôi trước lúc ra về, ông còn rất nhiều dự định, hoài bão muốn thực hiện: Muốn đào tạo thế hệ trẻ có trình độ tiếp nối các thế hệ cũ, muốn xin một rạp chiếu phim cũ không sử dụng để xây dựng một “toà lâu đài” cho trẻ thơ đến xem nghệ thuật rối … và ông cười nói rằng: “Tôi muốn làm nhiều việc như thế bởi từ lâu Nhà hát này đã trở thành gia đình thân thiết của tôi. Sau này dù có chết đi, hồn tôi sẽ vẫn quanh quẩn ở đây”.

 
 

Các tin đã đăng

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
   
© 2003 Copyright by Thang Long water puppets theatre - Design by Vietnet