Lựa chọn ngôn ngữ .
 

   
Người tiếp thị nghệ thuật
Năm 2003, tổng số buổi biểu diễn của đoàn đạt 1357 buổi, tại nước ngoài 880 buổi, với 280.000 lượt người xem, doanh số lên đến chục tỷ đồng một năm. Những con số mà phần đa các đơn vị nghệ thuật mơ ước. Thế nhưng, nếu trở về với câu chuyện của 15 năm trước, thì hiện tại các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Thăng Long đã làm nên một câu chuyện cổ tích ở giữa đất kinh kì. Và người dẫn dắt câu chuyện chính là giám đốc Lê Văn Ngọ - người nghệ sĩ đã dành cả cuộc đời cho sự sinh tồn của múa rối Thăng Long.

Nhìn bề ngoài ông có vẻ già hơn so với tuổi của mình cộng với cái dáng vẻ tất bật, vội vã, quần áo giản dị khiến không mấy người ngoài hình dung ra ông là vị giám đốc thành danh vào bậc nhất trong giới nghệ thuật Thủ đô mà các bạn nghề luôn tâm phục khẩu phục.

Kể ra ông đến với múa rối cũng là một sự tình cờ rồi sau đó mới trở thành duyên nghiệp. Vốn ông là người của Đoàn ca múa nhạc Hà Nội. Số phận đưa đẩy năm 1971 ông được điều  về hát minh hoạ cho múa rối. Sự nghiệp của ông được bắt đầu từ đấy.

Buổi ban đầu mới nhìn những con rối ông đã thích mê tơi, mà tính ông, từ bé, đã thích gì là làm cho bằng được. Ông đề xuất với lãnh đạo xin được học nghề. Ông vừa hát, vừa mày mò học cho đến một ngày được trở thành diễn viên chính của đoàn. Những con rối có linh hồn kia dường như ngày một cuốn ông vào thế giới phong phú đầy màu sắc của chúng. Và ông ngày càng đắm đuối, dồn hết tâm sức mình cho sân khấu múa rối. Năm 1985 ông đã trở thành phó trưởng đoàn phụ trách chuyên môn.

Thế nhưng những năm 89, 90 cùng với sự thay đổi của cơ chế, Rối Thăng Long rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất, các hoạt động hoàn toàn tê liệt. Diễn viên bỏ đoàn đi gần hết, chỉ còn lại 9 nghệ sĩ tâm huyết nhất. Hàng ngày những diễn viên còn máu lửa với nghề vẫn đến Nhà hát để hy vọng... dù họ phải làm đủ các ngành nghề để sống qua cơn bĩ cực. Sở VHTT có ý định giải thể, chuyển diễn viên đi các đơn vị khác. Những cán bộ được cử xuống đến rồi lại đi không ai nhận khi nhìn thấy cơ sở vật chất của và món nợ bảy cây vàng của vị Giám đốc cũ để lại. Lúc đó đoàn chưa làm được rối nước.

Trước tình hình đó NSƯT Lê Văn Ngọ đã đứng lên nhận trách nhiệm làm trưởng đoàn cùng với sự ủng hộ hết lòng của những nghệ sĩ còn lại trong đoàn. Cũng từ đó ông bắt tay xây dựng cho Nhà hát múa rối Thăng Long.

Việc đầu tiên là ông kêu gọi anh em cùng đóng góp tiền của để đoàn có thể hoạt động (trong đó ông đóng góp 2000 USD) và khôi phục lại những trò rối cạn biểu diễn ở Nhà hát Tuổi Trẻ, Công viên Thống Nhất (lúc bấy giờ chưa có nhà hát dành cho đoàn) chỉ nhằm mục đích chứng minh rằng đoàn múa rối đã sống lại. Dẫu thế, đoàn cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Điều đó đã thôi thúc ông phải tìm ra một hướng đi mới... Và sau đó ông đã xây dựng chiến lược phát triển Nhà hát bằng loại hình rối nước. Ông đưa diễn viên xuống kết nghĩa với phường rối Đào Thục và ở lại đó hàng tháng để học nghề. Xây dựng lại một chương trình do đích thân mình đạo diễn là một việc làm quá mạo hiểm vào thời điểm bấy giờ (năm 1987 đoàn đã từng làm lại rối nước nhưng bị thất bại). Nhưng tình yêu với những con rối, niềm đam mê với sàn diễn đã giúp ông nuôi lớn quyết tâm của mình. Chương trình thành công và ông được công nhận.

Ngày 2 buổi ông cùng mọi người ra đền Ngọc Sơn dựng thuỷ đình biểu diễn rối nước chỉ nhằm mục đích giới thiệu với khán giả trong và ngoài nước biết đến một loại hình nghệ thuật vẫn còn xa lạ với mọi người. Tiền công diễn nhiều lúc không đủ mua một bát phở bồi dưỡng cho mọi người. Chưa kể có những hôm trời mưa tiền thuê sân bãi thì vẫn phải trả mà ông và các bạn diễn thì không thu được một đồng nào từ tiền bán vé. Có nghề rồi nhưng khó khăn vẫn bám đuổi theo đoàn. Ông suy tính trăm bề mà vẫn chưa tìm ra lối thoát.

Thế rồi, đến một hôm, thần may mắn đã gõ cửa đoàn khi có Nhà hát kịch ở Tokyo đến xem và mời đoàn sang diễn. Chuyến xuất ngoại năm 1992 đã gây được tiếng vang lớn, mở ra một hướng đi mới cho các nghệ sĩ rối.

Ông và các diễn viên trong đoàn bắt đầu có thêm nghề đó là đi tiếp thị. (Bây giừo thì mới gọi là tiếp thị chứ hồi ấy ông và các nghệ sĩ cũng không biết dùng từ gì để nói về nghề tay trái của mình). Ông hướng dẫn mọi người cùng đi đến các quán cà phê, làm việc với các công ty du lịch… đi đến bất kì nơi nào có khách du lịch đến đông, bắt đầu cho diễn thăm dò vào các tối thứ bảy, chủ nhật trong tuần. Ngoài ra còn in tờ rơi quảng cáo: đi đâu cũng dán...ông còn mạnh dạn trích % cho những ng­ười dẫn khách đến. Những tháng đầu lượng khách còn rất ít nh­ng ông thì tối nào cũng đến để xem và lắng nghe ý kiến của khán giả. Ông còn tổ chức hội nghị khách hàng để mọi ng­ời cùng góp ý. Tất cả nghệ sĩ trong đoàn làm việc một cách cật lực để quảng bá. Dần dần khách du lịch đến với ông ngày càng đông. Sau 6 tháng triển khai Nhà hát của ông mở cửa luôn cho đến hôm nay.

Có khách rồi ông lại tính đến chuyện mở rộng và xây dựng th­ương hiệu ra khắp thế giới. Ngoài củng cố về chuyên môn ông không quên tìm mọi cách để lưu lại dấu ấn với khán giả. Cuối buổi diễn Nhà hát bao giờ cũng có quà cho khán giả: những em bé được nhận một gói bánh, khán giả thì một cái quạt (thuở ấy Nhà hát chưa có máy lạnh như bây giờ). Những điều tưởng như rất nhỏ ấy cũng đã làm cho trán

ông hằn sâu thêm những nếp nhăn. Phải trải qua bao ngày tháng suy tư, trăn trở ông mới có được những sáng kiến ấy. Để đến bây giờ chỉ cần nhìn logo là bạn bè khắp thế giới biết đó là Nhà hát múa rối Thăng Long.

Niềm sung sướng và tự hào nhất đối với ông là Nhà hát đã có thương hiệu, diễn viên sống được bằng nghề. Từ năm 1996 đến giờ Sở Văn hóa - Thông tin cho phép tự thu chi và Nhà hát vẫn sống khoẻ bằng nghề, làm được rất nhiều việc. Vừa nâng cấp cải tạo, nâng cao đời sống và chăm chú đến việc đào tạo, nâng cao tay nghề diễn viên. Chỉ mấy năm nữa là Nhà hát có một thế hệ kế cận được đào tạo bài bản. Tất cả đều nhờ vào tầm nhìn chiến lược của ông- vị giám đốc đáng kính của họ.

Song hành cùng với những thành công trong công tác quán lí ông cũng kịp có cho mình 3 Huy chương vàng trong các Hội diễn liên tiếp, điều mà không mẩy đạo diễn trong giới nghệ thuật có thể có. Tiết mục Tiếng gọi trẻ thơ trong hội diễn mới đây đã minh chứng cho một tình yêu bền vững của ông với những con rối.

Cho đến giờ này ông vẫn mong mỏi có một địa điểm tốt để biểu diễn rối cạn, làm sao để rối cạn phát triển, hoàn thiện Nhà hát, xây dựng những chương trình miễn phí cho thiếu nhi, thu hút khán giả thủ đô và cả nước đến với múa rối. Cả đời mình ông dành cho những con rối, cho sự thành bại của Nhà hát múa rối Thăng Long.

 
 

Các tin đã đăng

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
   
© 2003 Copyright by Thang Long water puppets theatre - Design by Vietnet