NĂM 2003 Nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Nội) đã vượt 114% kế hoạch với 1.116 buổi diễn, trong đó có 80 buổi lưu diễn ở nước ngoài. Ngoài ra, Nhà hát còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia lễ hội những ngày văn hóa Hà Nội tại Tây Nguyên với hàng chục buổi diễn đến những vùng sâu, vùng xa, tham gia 'Hội diễn múa rối toàn quốc-2003' giành 1 Huy chương vàng (HCV), 1 Huy chương bạc (HCB) cho tiết mục và 1 HCV, 2 HCB cho cá nhân...
Trong cơn bĩ cực của ngành nghệ thuật biểu diễn những năm gần đây, đạt được những kết quả như trên là sự nỗ lực cố gắng rất lớn của Nhà hát múa rối Thăng Long-một đơn vị nghệ thuật địa phương. Đoàn kết và năng động, đó là những bài học kinh nghiệm quí giá nhất mà Nhà hát đúc kết được sau một thời gian phải bươn chải để đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường, thực hiện chủ chương xã hội hóa hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Còn nhớ hồi tháng 6- 2003 đơn vị đã hoàn thiện đâu vào đấy chương trình rối cạn chuẩn bị tham gia Hộỉ diễn múa rối toàn quốc' 2003'. Bỗng đâu sắp đến ngày khai cuộc thì tai họa ập tới, tác giả và họa sỹ bị ngã xe phải đi nhập viện. Nhà hát phải thay đổi vở diễn, thay đổi diễn viên, dốc sức tập luyện khẩn trương đêm ngày. Thế mà 3 tiết mục ' chữa cháy ấy' vẫn gây được tiếng vang tại hội diễn, trong đó tiết mục rối khăn tiếng gọi trẻ thơ (HCV) được ban giám khảo và dư luận đánh giá là tiết mục độc đáo ấn tượng nhất. Không có sự đoàn kết nhất trí cao, không năng động sáng tạo và không có những tài năng thực sự thì thật khó mà dàn dựng kịp chương trình tham gia hội diễn lần ấy nói gì thành tích? Lo tốt chuyện làm ăn, Nhà hát vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và quan tâm đầu tư chiều sâu cho sự phát triển bền vững của Nhà hát trong tương lai. Chỉ riêng trong đợt tham gia 'Những ngày văn hóa Hà Nội tại Tây Nguyên', Nhà hát đã kết hợp biểu diễn nghệ thuật với làm công tác vận động quần chúng trước và sau mỗi buổi diễn tập các địa bàn xa xôi hẻo lánh, các nghệ sĩ đã có nhiều cuộc giao lưu tiếp xúc với đồng bào địa phương và trao quà từ thiện cho trẻ em trị giá hàng chục triệu đồng: Kết thúc lễ hội, toàn bộ đạo cụ vở diễn 'Bù nhìn rơm' trị giá trên 20 triệu đồng cũng được tặng lại đoàn nghệ thuật tổng hợp tỉnh Đắc Lắc Ông Lê Văn Ngọ -giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long cho biết: Năm 2003 nhà hát đã đầu tư nâng cấp trang bị hệ thống âm thanh và mạng điện của rạp kết hợp với trường đại học Sân khấu điện ảnh như tuyển sinh đào tạo nguồn diễn viên kế cận. Chiến lược chung là trong tương lai, Nhà hát múa rối Thăng Long sẽ trở thành một trung tâm văn hóa của thiếu nhi Thủ đô và tăng cường các hoạt động biểu diễn -giao lưu quốc tế. Sự quan tâm ủng hộ của cấp trên cùng sáng tạo của tập thể nghệ sĩ sẽ là điểm tựa vững chắc cho chiến lược phát triển trên đây.